Tam cá nguyệt thứ 2: Những điều cần biết
Chúc mừng, bạn đã đi được nửa chặng đường. Đối với nhiều phụ nữ, ba tháng giữa thai kỳ là giai đọan dễ chịu nhất trong toàn bộ thời gian mang thai. Tình trạng ốm nghén đã giảm bớt, bạn cũng bắt đầu cảm thấy khỏe khoắn hơn so với 13 tuần vừa qua.
Tuy vậy, vẫn có những cảm giác khó chịu nho nhỏ có thể xảy ra, chẳng hạn: táo bón, trĩ và đau dây chằng.
Chiến đấu với tình trạng táo bón
Sự thay đổi hoóc-môn trong suốt thai kỳ làm giảm hiệu suất hoạt động của ruột và dạ dày. Đồng thời, khi lớn dần hơn, bé chèn ép lên đại tràng của bạn. Tất cả những yếu tố này đều có thể gây ra táo bón.
Những phương pháp trị táo bón khi mang thai:
Đừng quá lo lắng, những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng này:
Uống nhiều nước – 8 ly nước một ngày là tốt nhất.
Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ như trái cây, ngũ cốc, rau củ trộn.
Cố gắng đi bộ ít nhất 15 phút mỗi ngày để tăng lượng máu lưu thông đến các bộ phận trong cơ thể.
Không dùng những sản phẩm giúp nhuận trường mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
Bệnh trĩ khi mang thai: xử lý thế nào
Bệnh trĩ, tình trạng giãn quá mức của mạch máu ở trực tràng, thường xuất hiện trong suốt quá trình mang thai do tử cung gây áp lực lên vùng xương chậu. Khi bé phát triển, trĩ có khuynh hướng trở nên trầm trọng hơn. Do đó để dễ dàng kiểm soát tình trạng này, bạn nên điều trị ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu khó chịu ban đầu:
Tắm nước ấm giúp làm dịu đi cảm giác đau rát vì trĩ.
Tránh đứng lâu, vì việc này có thể khiến lưu thông máu bị tắc nghẽn, khiến bệnh trĩ trầm trọng hơn.
Phòng tránh tình trạng táo bón. Khi phân mềm hơn, đại tràng hoạt động dễ hơn, tình trạng trĩ vì thế cũng bị hạn chế hoặc không gây đau rát.
Nếu bạn đã thực hiện nhiều cách nhưng không hiệu quả, nên trao đổi với bác sĩ về việc chữa trị.
Tình trạng đau dây chằng tròn
Nếu bạn cảm thấy đau hoặc bị chuột rút ở vùng háng, rất có thể đó là do tình trạng đau dây chằng tròn. Khi tử cung to lên, dây chằng cố định tử cung trong bụng cũng phải giãn ra, gây đau đớn cho một số phụ nữ.
Nhưng đáng tiếc, Không có nhiều phương pháp để xoa dịu sự khó chịu này. Nếu cơn đau trở nên dữ dội hơn, nên báo ngay với bác sĩ. Đau vùng háng hoặc bụng trong suốt thai kỳ có thể là một dấu hiệu của việc sinh khó về sau, do đó bác sĩ cần phải loại bỏ bất kì yếu tố gây nguy hiểm nào.
Dù vẫn xuất hiện một vài sự khó chịu nho nhỏ, nhưng với hầu hết phụ nữ, đây là giai đoạn dễ chịu nhất. Hi vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn thoải mái để tận hưởng được nhiều hơn trong hành trình mang thai.
Nguồn: http://www.pampers.com.vn/bé-sơ-sinh/bé-sinh-non/bai-viet/giam-thieu-cac-tac-dong-moi-truong