Phòng chăm sóc đặc biệt trong khoa Dưỡng nhi
Dưới đây là những hướng dẫn về vai trò và nhiệm vụ của các thành viên trong phòng chăm sóc đặc biệt khoa dưỡng nhi, những người chịu trách nhiệm chăm sóc cho con của bạn.
Bước chân vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bé sơ sinh (NICU) là bạn đang bước vào một thế giới đầy lạ lẫm. Những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn làm quen với những chuyên gia trong khu vực chăm sóc đặc biệt, những người sẽ chăm sóc sức khỏe cho con bạn. Để biết thêm thông tin về NICU, bạn nên đọc thêm ở đây về những thiết bị y tế, xét nghiệm y khoa và một số vấn đề thường gặp phải.
Nhân viên giao nhận bệnh: người chuyên lo việc xuất viện cho bé hoặc bàn giao đầy đủ thông tin để quá trình chuyển viện hoặc về nhà của bé được suôn sẻ và việc chăm sóc bé luôn được bảo đảm. Người này cũng sẽ giữ nhiệm vụ làm việc liên tục giữa các bệnh viện và với bên bảo hiểm cho trường hợp của bé.
Đội can thiệp sớm: một nhóm những người có chuyên môn đặc biệt về giáo dục, phát triển trẻ thiểu năng và các điều trị khác. Nhóm can thiệp sớm này có nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ trẻ có nguy cơ thiểu năng từ khi mới sinh đến lúc ba tuổi. Họ thu thập và cung cấp thông tin cũng như lên kế hoạch cho bé xuất viện. Họ cũng sẽ giúp đỡ bạn và bé sau khi xuất viện, do đó họ sẽ sớm làm quen với bạn khi bé còn nằm viện.
Chuyên gia y tế: là những người được yêu cầu hội chẩn các trường hợp đặc biệt. Những người này thường thuộc chuyên ngành nhi khoa hoặc có chuyên môn đặc biệt khác được liệt kê dưới đây:
Chuyên gia hành vi học (thường là bác sĩ nhi khoa): chẩn đoán những vấn đề về phát triển hành vi của bé.
- Bác sĩ tim mạch: khám tim cho bé.
- Bác sĩ nội tiết: khám về các tuyến hormon và sự phát triển của bé.
- Bác sĩ tiêu hóa: khám về bài tiết, gan và các vấn đề tiêu hóa.
- Bác sĩ huyết học: chẩn đoán các chứng bệnh về máu, chảy máu và những bệnh của hệ miễn dịch.
- Bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm: chẩn đoán các trường hợp nhiễm trùng phức tạp.
- Bác sĩ chuyên khoa thận: khám thận.
- Bác sĩ khoa thần kinh: chẩn đoán các bệnh về não (bao gồm cả động kinh).
- Bác sĩ chuyên khoa phổi: chẩn đoán các bất thường về phổi và hệ hô hấp.
Y tá dưỡng nhi: là người được đào tạo chuyên sâu (thường có bằng chuyên khoa dưỡng nhi) trong lĩnh vực chăm sóc trẻ sinh non bị bệnh. Y tá này làm việc theo lệnh của bác sĩ nhi khoa, có khả năng thực hành mọi biện pháp chữa bệnh và hướng dẫn bạn chăm sóc bé. Y tá này cũng làm nhiệm vụ điều phối các ca lưu trú hay xuất viện ở NICU.
Bác sĩ nhi khoa: bác sĩ chịu trách nhiệm chính ở NICU. Người này thường học chuyên khoa nhi và được đào tạo thêm, có chứng nhận về việc chữa bệnh cho trẻ sơ sinh. Có thể có nhiều bác sĩ nhi ở NICU bởi lịch làm việc của họ thường rất bận rộn, dày đặc 24/24.
Bác sĩ thực tập chuyên sâu: là bác sĩ nhi khoa đang được huấn luyện chuyên sâu về việc chữa bệnh cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ này sẽ làm việc trực tiếp với các nhân viên khác trong khoa và báo cáo cho bác sĩ chính. Bác sĩ này có thể luân phiên làm việc ở các bệnh viện khác nhau, mỗi nơi khoảng 4-8 tuần.
Chuyên gia trị liệu, chuyên gia vật lý trị liệu: là những chuyên gia y tế chăm sóc và chữa các chứng bệnh ảnh hưởng đến hành vi. Chuyên gia trị liệu có nhiều biện pháp can thiệp để giúp trẻ phát triển các chức năng của cơ thể. Chuyên gia vật lý trị liệu giúp trẻ phục hồi chức năng cơ, sức lực và vận động. Hai người này cũng có thể có nhiều lời khuyên hữu ích cho việc chăm sóc bệnh nhi trong khu dưỡng nhi cũng như lúc về nhà.
Bác sĩ thực tập: là bác sĩ đang học chuyên khoa nhi, bác sĩ này sẽ thực tập tại NICU trong khoảng 3-6 tuần.
Y tá: là chuyên gia y tế đã có bằng y tá từ trường Cao đẳng hoặc được đào tạo theo chương trình điều dưỡng tại bệnh viện. Y tá ở NICU có kinh nghiệm chăm sóc bệnh cho trẻ sơ sinh. Trong mỗi đơn vị sẽ có 1 y tá được giao nhiệm vụ chăm sóc chính cho mỗi bệnh nhi và người này sẽ chăm sóc cho con của bạn. Mặc dù bé có thể được chăm sóc bởi một số y tá khác nữa vào ban đêm hoặc những ngày nghỉ, nhưng chỉ có người này hiểu rõ về tình trạng của con bạn nhất. Một vài y tá nhi khoa này còn được đào tạo chuyên sâu và có thể thực thi những thủ thuật y khoa ở trình độ bác sĩ thực tập.
Chuyên viên hô hấp: chuyên gia được huấn luyện trong việc dùng các dụng cụ y tế đễ hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhi. Chuyên viên này cũng chịu trách nhiệm kiểm tra lượng oxy trong máu và một số thủ thuật khác.
Nhân viên công tác xã hội: một chuyên gia có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề cảm xúc và xã hội trong thời gian con bạn ở NICU. Người này sẽ giúp bạn nhận thông tin từ bác sĩ, cung cấp thêm kiến thức cần thiết về tình trạng bệnh của bé, hỗ trợ bạn trước những khó khăn về kinh tế và căng thẳng và chủ động sắp xếp để chuẩn bị cho bé xuất viện cũng như những chăm sóc y tế cần thiết sau đó. Đôi khi người này có thể tổ chức tư vấn tâm lý theo từng nhóm gia đình.
Chuyên gia ngôn ngữ: người cung cấp những hỗ trợ cho bệnh nhi có vấn đề về ngôn ngữ ở NICU. Một số bệnh nhi chậm phát triển ngôn ngữ có thể cần thêm sự chăm sóc của chuyên gia này sau khi xuất viện.
Bác sĩ ngoại khoa: nếu con bạn cần phẫu thuật, một bác sĩ ngoại khoa có thể được mời đến để hội chẩn hoặc phẫu thuật.
Các bác sĩ ngoại khoa cũng có chuyên ngành khác nhau, nên tham khảo danh sách dưới đây:
- Bác sĩ phẫu thuật tim mạch: chuyên về tim, các mạch máu và thường cũng chuyên về phổi.
- Bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng: chuyên giải phẫu tai, mũi, họng và bao gồm cả khí quản.
- Bác sĩ ngoại tổng quát: giải phẫu để chữa các vấn đề bài tiết và phẫu thuật đặt ống dẫn trong động mạch, tĩnh mạch.
- Bác sĩ ngoại khoa thần kinh: chuyên về phẫu thuật não, tủy sống và các dây thần kinh.
- Bác sĩ ngoại khoa cơ xương khớp: chuyên về xương, khớp, kể cả các ca biến dạng xương khớp.
- Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ: chuyên giải phẫu các ca biến dạng mặt và cổ, một số trường hợp về da cũng như chân, tay. Một số ca trong phần này có thể được thực thi bởi bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình.