Sự phát triển của bé từ 4 – 5 tháng tuổi
Đặc trưng phát triển của bé từ 4 – 5 tháng tuổi.
Từ 4 – 5 tháng tuổi | |
Chiều dài | Bé trai: 62,4 – 71,6cm; trung bình: 67cm; Bé gái: 60,9 – 70,1cm; trung bình: 65,5cm |
Cân nặng | Bé trai: 6,2 – 9,7kg; trung bình: 8kg; Bé gái: 5,9 – 9kg, trung bình: 7,5kg |
Vòng đầu | Bé trai: 40,6 – 45,4cm; trung bình: 43cm; Bé gái: 39,7 – 44,5cm; trung bình: 42,1cm |
Vòng ngực | Bé trai: 39,2 – 46,8cm; trung bình: 43cm; Bé gái: 38,1 – 45,7cm; trung bình: 41,9cm |
Thóp | Thóp trước vẫn chưa khép lại. |
Vận động thô
– Khi nằm ngửa, tứ chi duỗi thẳng có thể nâng đầu và vai dậy, có thể kéo chân lên miệng để bú ngón chân cái; biết đá chân tự nhiên để di chuyển cơ thể; có thể lật từ nằm ngửa sang nằm sấp.
– Khi nằm sấp, cơ thể sẽ dao động giống như máy bay, tứ chi duỗi thẳng, lưng vươn thẳng; có thể đưa đầu và ngực lên rất cao; hai tay dùng sức để đẩy, đầu gối cũng co về trước, có thể lật từ nằm sấp sang nằm ngửa.
– Khi dùng tay đỡ lấy lưng và ngực của bé hạ xuống, hai tay của bé sẽ duỗi thẳng về trước, làm động tác tự bảo vệ.
– Khi đỡ ở nách, bé sẽ đứng dậy, toàn thân chuyển động, hai chân lần lượt bước đi.
– Khi đỡ dậy, bé có thể ngồi được 30 phút; đầu và cột sống thẳng; đầu và thân người có thể giữ thành đường thẳng; có thể tự do hoạt động các khớp, thân người không lắc lư. Nếu không vịn, bé có thể tự ngồi trên 5 giây, nhưng đầu và thân gập về trước.
– Khi đỡ ở lưng để bé đứng dậy, hai đầu gối tuy hơi cong nhưng có thể chống đỡ được phần lớn thể trọng.
Vận động tinh
– Khi đặt đồ chơi ở nơi mà tay bé có thể chạm vào được và khích lệ bé cầm lấy, bé có thể dùng một tay hoặc hai tay để cầm lấy.
– Thường dùng ngón cái hoặc ngón trỏ để lấy đồ vật, có thể lật bàn tay lại được.
– Khi đặt lục lạc vào tay bé, bé đã biết cầm chơi.
Khả năng thích ứng
– Để bé nằm ngửa, treo lục lạc ở trên đầu bé, bé sẽ nhanh chóng phát hiện ra, và đưa hai tay đến gần lục lạc.
– Đỡ bé ngồi dậy và đặt một quả bóng mềm bên cạnh bé, hai tay bé sẽ từ từ đưa đến gần quả bóng nhưng chưa chắc có thể cầm được.
– Nếu đặt đồ chơi ở nơi bé có thể chạm đến được, bé sẽ vươn hết tay để bắt lấy.
– Nếu người lớn cầm lấy đồ chơi mà bé đang chú ý thì bé sẽ dõi theo tay của người lớn để tìm đồ chơi.
– Khi người lớn cầm hai món đồ chơi giống nhau, một món đặt trong tay bé, món kia để ở gần đó (trong phạm vi tầm nhìn của bé), ánh mắt của bé sẽ dõi theo món kia. Nếu đặt cả hai món vào tay bé rồi lấy món khác tương tự để ở nơi xa (cũng trong phạm vi tầm nhìn của bé), bé sẽ theo dõi món đồ chơi thứ ba. Nếu để hai món đồ chơi bên cạnh bé, sau khi bé nhìn thấy, bé sẽ tìm cách chạm bắt lấy chúng.
Ngôn ngữ
– Biết dùng những âm thanh có tiết tấu khác nhau, nghe có vẻ như những âm điệu lộn xộn nhưng nếu chú ý lắng nghe, bạn sẽ phát hiện bé biết tăng giảm âm thanh, giống như đang nói hoặc hỏi một vấn đề nào đó.
– Khi nhìn thấy sự vật quen thuộc, bé có thể phát ra âm thanh, còn biết “nói chuyện” với đồ chơi của mình.
– Khi nghe thấy âm thanh, bé sẽ phản ứng lại và thử tìm nơi phát ra âm thanh đó.
Hành vi giao tiếp
– Khi nhìn thấy bình sữa hay vú mẹ, bé sẽ có biểu hiện rất vui thích; khi bé bú sữa, bé sẽ dùng bàn tay nhỏ xíu để ôm lấy bình sữa hoặc vú mẹ.
– Khi nhìn thấy vật mình muốn sờ vào nhưng không cách nào làm đươc, bé sẽ la hét hoặc khóc để đòi người lớn giúp đỡ.
– Khi soi gương, bé có thể phân biệt được mình và mẹ trong gương, mỉm cười và trò chuyện với bóng trong gương, còn có thể đánh vào gương.
– Bé biết cười và dùng âm thanh để giao lưu tình cảm với người khác, biết biểu lộ tình cảm chờ đợi; biết đưa tay ra để đòi người lớn bế; khi được bế, bé sẽ đưa tay ôm chặt người lớn. Khi bé khóc, nếu có người lớn nói chuyện, bé sẽ nín khóc.
– Bé biết bắt chước biểu hiện của người lớn và phân biệt được người quen người lạ.
Theo cẩm nang CSB
Nguồn: http://webgiadinh.org/su-phat-trien-cua-be-tu-4-5-thang-tuoi-461.html