Nề nếp kỷ luật ở trẻ Nhắc nhở và những cách khác
Tuy một số nghiên cứu cho rằng nhắc nhở là cách tốt nhất để uốn nắn bé, nhưng cách này có thể không còn hiệu quả đối với bé ở độ tuổi mầm non. May thay, bạn vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp khác cho bé lớn hơn.
Dưới đây là một số biện pháp gợi ý:
Khen ngợi ngay khi bé ngoan
Khuyến khích tích cực
Đừng mong đợi sự hoàn hảo
Cho bé nhiều lựa chọn
Để bé tự nhận thấy kết quả, nếu điều đó an toàn và phù hợp
Đặt ra những mục tiêu cụ thể và thích hợp
Hãy nhớ kỷ luật không phải là trừng phạt
Khen ngợi ngay khi bé ngoan
Thật ra, đây có thể là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất bạn có thể thực hiện để giúp trẻ hành xử tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đầu tư gần như toàn bộ thời gian và công sức để tập trung vào những thái độ họ không muốn thấy ở bé, thay vì điều ngược lại.
Trẻ con thích được chú ý đặc biệt. Một lời khen, một cái ôm nhẹ hoặc vỗ vai có thể tạo ra điều kỳ diệu chỉ trong một hoặc hai giây. Hãy khen ngợi khi bé dùng muỗng ở bàn ăn; đừng chỉ phật ý khi trẻ làm văng thức ăn tung tóe lên quần áo.
Tích cực khen ngợi nhưng đừng khen vô tội vạ – ngay cả bé nhỏ cũng có thể biết khi nào bạn đang không thật lòng. Đặc biệt khi bé đang căng thẳng, biện pháp khuyến khích tích cực này rất hữu ích vì nó giúp làm giảm thay vì tăng thêm căng thẳng. Cử chỉ cũng có tác dụng tốt như lời nói. Nếu bé đang im lặng chơi một mình, hãy đến bên bé và nhẹ nhàng vuốt tóc bé một hai lần – nếu bé thích như vậy. Ban đầu bạn có thể làm bé ngừng chơi. Nhưng sau một vài ngày, bé sẽ tiếp tục chơi đùa trong khi thưởng thức sự chú ý của bố mẹ.
Nếu bạn khen thưởng khi bé hành xử đúng mực (ví dụ như “Bố/mẹ thích lắm khi con nói ‘dạ’ hoặc ‘cám ơn’! “), có khả năng bé sẽ lặp lại hành động đó. Trên thực tế, nếu bạn lờ đi hành vi tốt của bé, có thể trong lần tới bé sẽ làm khác đi, vì biết điều đó sẽ giúp mình được chú ý nhiều hơn. Do đó, hãy cố gắng tập trung vào những hành vi tốt, không phải hành vi xấu.
Khuyến khích tích cực
Hãy nhớ rằng biện pháp khuyến khích tích cực (bổ sung điều tốt) có tác dụng tốt hơn cả sự khuyến khích tiêu cực (loại bỏ điều tốt) lẫn việc trừng phạt (bổ sung điều xấu). Thật nghịch lý, những phần thưởng nhỏ, như việc bé được chú ý nhiều hơn hoặc một bữa ăn bất ngờ, có sức hấp dẫn hơn những phần thưởng lớn, chẳng hạn như lời hứa về một chiếc xe đạp. Bé thường sẽ thôi cố gắng nếu cảm thấy mình không thể đạt được phần thưởng to lớn bạn đưa ra.
Hãy thận trọng khi sử dụng từ ngữ để khen ngợi bé.
SMột số nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng:
- Bố mẹ của bé trai thường có xu hướng đề cập đến thành tựu cụ thể của bé khi khen ngợi: “Í cha, con ráp được tòa tháp cao quá.”.
- Tuy nhiên Bố mẹ của bé gái lại chỉ hay khen chung chung: “Con thật thông minh.”
- Lời khen cụ thể giúp trẻ đánh giá được thành tựu của chính mình: “Đó là tòa tháp cao. Mình rất tự hào.”.
- Ngược lại, những lời khen chung chung khiến trẻ phụ thuộc vào người khác để có thể đánh giá được hành vi của mình: “Mình có còn thông minh hay không?””
Vì vậy, bạn hãy cố gắng đưa ra lời khen thật cụ thể, tập trung vào hành vi, thái độ của trẻ.
Đừng mong đợi sự hoàn hảo
Mong đợi một đứa trẻ sẽ hành xử hoàn toàn đúng mực là điều phi thực tế. Tuy nhiên, nếu điều đó có xảy ra, bé sẽ cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng đến mức bé sẽ hành xử không ngoan, chỉ để giảm bớt căng thẳng.
Hãy đặt ra những mục tiêu thực tế để cả bạn và bé đều có thể thực hiện được. Ví dụ, đừng mong bé ở tuổi mầm non chia sẻ đồ chơi khi có bạn ghé qua. Hãy bàn bạc trước với bé để xếp riêng những món đồ chơi ưa thích trước khi bạn đến. Cách này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn khi chia sẻ đồ chơi của mình.
Cho bé nhiều lựa chọn
Liệt kê cho bé những hành vi khác bên cạnh điều bạn muốn thay đổi. Chẳng hạn, nếu bé đang la hét và bạn muốn bé ngừng lại, hãy cho bé thấy bé có thể nói chuyện nhẹ nhàng mà vẫn được người khác chú ý. Một trong số các lí do khiến việc đánh đòn về lâu dài không phải là biện pháp phạt hiệu quả là vì nó không hướng dẫn cho bé điều nên làm.
Đặt ra những mục tiêu cụ thể và thích hợp
Hãy quyết định điều gì là quan trọng đối với bạn. Sự an toàn, dĩ nhiên, nên là mối quan tâm hàng đầu. Nhưng phép lịch sự ở độ tuổi này thì quan trọng như thế nào? Tính ngăn nắp, sạch sẽ thì sao? Sự thân thiện? Khả năng tập trung chú ý? Đừng cố gắng tập trung vào quá nhiều thứ trong cùng một lúc hoặc bạn sẽ phải liên tục điều chỉnh bé, và cả hai đều cảm thấy căng thẳng. Bạn có rất nhiều thời gian để giúp bé học những kĩ năng giao tiếp.
Ví dụ bạn muốn bé 4 tuổi ngoan ngoãn đi ngủ. Nếu xác định mục tiêu một cách chung chung và tuyệt đối như vậy, thì bạn khó có thể đo đếm và đạt được sự vâng lời của bé. Thay vào đó, hãy điều chỉnh để mục tiêu của bạn trở nên cụ thể và thực tế hơn. Bạn nên hài lòng, chẳng hạn, nếu năm ngày trong một tuần bé vào giường trong chưa đầy 15 phút sau khi bạn bảo bé đi ngủ. Đừng quá mong đợi sự tuyệt đối, từ phía bé hoặc cả chính bạn.
Hãy nhớ kỷ luật không phải là hình phạt
Đôi khi không dễ để cân bằng hai yếu tốt này, nhưng hãy nhớ rằng chúng không phải là một. Kỷ luật chú trọng về mặt dạy dỗ, giáo dục. Hãy tự hỏi liệu những việc bạn đang làm có giúp bé học được điều bạn muốn bé học hay không. Nêu gương tốt cho bé là một trong những biện pháp uốn nắn tốt nhất.